Giám đốc Hiếu - Songnam và con đường xuất khẩu ốc vít ra thế giới
10:50 - 25/01/2021
Là một trong những doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp phụ trợ để phục vụ cho chuỗi công nghiệp kim khí của thế giới từ khá sớm, đến nay, Song Nam đã khẳng định vị thế của mình và chứng minh quan niệm “Việt Nam đến con ốc vít cũng phải nhập” là không đúng.
Phạm Trung Hiếu vận hành dây truyền sản xuất sản phẩm ốc vít
Khởi nghiệp sớm từ ngay những năm đầu Đại học, chàng sinh viên ĐH Ngoại Thương Phạm Trung Hiếu - nay là Tổng giám đốc công ty cổ phần Song Nam đã từng trải qua rất nhiều công việc với nhiều lần vấp ngã cho đến khi anh “bén duyên” với những con ốc vít.
Tạo khác biệt
Khởi nghiệp với 13 triệu đồng để làm nên 3 kg ốc vít “chuẩn” mang đi chào hàng đối tác, đến nay, trải qua 15 năm, Song Nam đã trở thành đối tác của các “ông lớn” như Eurowindow, LG, Panasonic… Đặc biệt, sản phẩm của Song Nam đã xuất khẩu sang những thị trường khó tính nhất như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy sỹ, Đức…
Chia sẻ với phóng viên Báo DĐDN, doanh nhân trẻ Phạm Trung Hiếu cho biết, khó khăn những ngày đầu là rất lớn, nhưng doanh nghiệp luôn xác định “kim chỉ nam” để phát triển là đề cao chất lượng và tạo sự khác biệt.
“Nếu những DN nhỏ cùng thời chỉ nghĩ xem “ăn bớt” nguyên liệu làm sao để giá thành thấp nhất thì tôi chỉ nghĩ làm sao để có sản phẩm chất lượng nhất. Tôi đã từng từ chối những đối tác chỉ chăm chăm so giá bởi tôi luôn tin “tiền nào của đấy”. Hợp tác là đôi bên “cùng chơi” cùng có lợi, chứ không phải chèn ép lẫn nhau”- Tổng giám đốc công ty cổ phần Song Nam chia sẻ triết lý kinh doanh của mình.
Phạm Trung Hiếu lý giải thêm, khi sản xuất ra sản phẩm của mình, doanh nghiệp đã phải tính toán kỹ lưỡng để đưa ra thị trường mức giá hợp lý nhất, tương ứng với chất lượng sản phẩm đảm bảo lợi ích người tiêu dùng. Nếu so sánh với các sản phẩm tương đương của thị trường Trung Quốc, giá của Song Nam còn thấp hơn 5%.
Đặc biệt, sau khi nghiên cứu thị trường nước ngoài, Song Nam đã nhanh chóng đa dạng hoá mẫu mã, chủng loại sản phẩm, nghiên cứu những sản phẩm “hàng độc” mà chỉ riêng Song Nam có. Hiện, Song Nam có 4 - 5 sản phẩm “độc” mang tính cốt lõi, tạo ra thị trường riêng cho DN.
Được biết, Song Nam đa phần cung cấp các đơn hàng đặt cho đối tác chứ không tham gia các dự án, công trình. Nhưng những nhà thầu dự án vẫn phải tìm đến công ty bởi những sản phẩm “độc”, giúp nhà thầu tiết kiệm nhiều chi phí so với các phương án thay thế khác.
Không lựa chọn cách mở rộng quy mô như các DN khác, thời gian tới Song Nam sẽ vẫn chú trọng nghiên cứu chế tạo thêm sản phẩm đi kèm với chất lượng đảm bảo và giá thành hợp lý.
Để “vươn” ra toàn cầu
Theo đuổi mục tiêu đặt chất lượng sản phẩm lên trên hết, tạo dấu ấn khác biệt trên thị trường, Song Nam đã từng bước khẳng định vị thế của mình, hơn nữa là đưa sản phẩm ngành công nghiệp phụ trợ VN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Từ những sản phẩm chào bán qua Internet, DN đã tìm được thêm nhiều khách hàng từ khắp thế giới. Cứ như vậy, sản lượng, chủng loại ốc vít của Song Nam lớn nhanh và đi khắp thế giới chỉ qua Internet mà tối giản chi phí, thời gian lại có hiệu quả cao.
Đến nay, đại gia “ốc vít” đã đầu tư xây dựng được 2 nhà xưởng hàng nghìn m2 với hàng chục bộ thiết bị máy móc tự động hiện đại, sản xuất ra gần 400 sản phẩm linh phụ kiện từ nhựa, thép như ốc vít, bulong, tắc kê nở nhựa, long đen, đệm, zoăng…
Không chỉ có mặt tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Đức với tần suất đều đặn hàng chục tấn ốc vít mỗi tháng Song Nam còn làm được điều dường như không tưởng, đó là giành chiến thắng khi “bơi” ngược dòng xuất khẩu được ốc vít sang thị trường khổng lồ Trung Quốc.
Tính riêng doanh thu xuất khẩu năm 2015 của Song Nam là 1 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 20%- 25%. Đây là mức tăng trưởng mà nhiều DNNVV mong muốn đạt được.
Chia sẻ bí quyết để đưa sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đại gia “ốc vít” cho rằng, thị trường khó tính hay dễ tính không phải vấn đề quyết định, cốt lõi căn bản phải là bản thân DN.
“Việt Nam có khoảng gần 1.400 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ hỗ trợ, trong đó chủ yếu tham gia ở giai đoạn công nghệ đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Hơn nữa, trình độ gia công của nhiều DN còn lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu sản phẩm khiến mục tiêu công nghiệp hóa, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà VN ký kết sẽ tuột khỏi tầm tay. Chính vì vậy, DN cần nắm bắt cơ hội, tạo dựng giá trị cốt lõi của mình theo hướng độc đáo và bền vững” - anh Hiếu chia sẻ.
Không lựa chọn cách mở rộng quy mô như các DN khác, chia sẻ với phóng viên, đại gia “ốc vít” cho biết, thời gian tới Song Nam sẽ vẫn chú trọng nghiên cứu chế tạo thêm sản phẩm đi kèm với chất lượng đảm bảo và giá thành hợp lý.